3 điều kiện để được hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động

Trường hợp cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thời hạn chậm nhất là ngày 5/5/2025. Theo đó, hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân đáp ứng đủ 3 điều kiện sẽ được hoàn thuế tự động.

Theo Chi cục Thuế khu vực I, để hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được xử lý tự động, ngành thuế khuyến khích người nộp thuế sử dụng chức năng tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý và thực hiện liên kết, đăng ký số tài khoản ngân hàng (đích danh và đã được xác thực) trên các ứng dụng eTax Mobile, iCanhan để nộp hồ sơ hoàn thuế TNCN. 

Hồ sơ hoàn thuế TNCN đáp ứng đủ 3 điều kiện sẽ được hoàn thuế tự động.

Cụ thể, điều kiện 1: Thông tin kê khai của người nộp thuế phải khớp đúng với thông tin tổng hợp quyết toán của các cơ quan chi trả đã kê khai với cơ quan thuế.

- Chỉ tiêu 20: Tổng thu nhập chịu thuế trên tờ khai khớp đúng với số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán.

- Chỉ tiêu 45: Tổng số thuế đề nghị hoàn trả trên tờ khai nhỏ hơn hoặc bằng số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán.

- Người nộp thuế không thay đổi chỉ tiêu trên tờ khai gợi ý.

- Số căn cước công dân tồn tại duy nhất tại 1 mã số thuế.

Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân đáp ứng đủ 3 điều kiện theo quy định sẽ được hoàn thuế tự động. Ảnh: Nguyễn Lê

Điều kiện 2: Cơ quan chi trả đã nộp thuế TNCN thay cho người nộp thuế

- Tất cả cơ quan chi trả của người nộp thuế không còn nợ tiểu mục 1001 trong kỳ đề nghị hoàn.

- Khớp số tài khoản ngân hàng (số tài khoản đã được hệ thống ngân hàng gửi dữ liệu về cơ quan thuế, người nộp thuế đã liên kết tài khoản ngân hàng trên eTax Mobile).

- Cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN của các kỳ trước.

Điều kiện 3: Tờ khai quyết toán thuế TNCN không kèm theo hồ sơ giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh hiểm nghèo.

Trường hợp hồ sơ hoàn thuế TNCN của người nộp thuế đáp ứng đủ các điều kiện, phân hệ hoàn thuế TNCN tự động tạo đề xuất hoàn thuế, lập quyết định hoàn thuế (hoặc quyết định hoàn kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước) và lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước) để chuyển Thủ trưởng cơ quan thuế ký điện tử.

Những công việc nêu trên do hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế tự động thực hiện chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Trường hợp xác định hồ sơ hoàn thuế không thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn thuế tự động, hồ sơ sẽ chuyển về cho cán bộ thuế xử lý.

Điều kiện để hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động?

Căn cứ theo Điều 5 Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động ban hành kèm theo Quyết định 108/QĐ-TCT năm 2025 quy định về việc giải quyết hoàn thuế TNCN tự động như sau:

Giải quyết hoàn thuế TNCN tự động
1. Phân hệ hoàn thuế TNCN tự động kiểm tra và xác định hồ sơ đủ điều kiện được xử lý tự động. Theo đó, hồ sơ đủ điều kiện được xử lý tự động là hồ sơ đáp ứng các điều kiện như sau:
(i) Tại thời điểm giải quyết hồ sơ hoàn thuế TNCN của NNT, tổ chức trả thu nhập đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thay tiền thuế TNCN đã khấu trừ hoặc tổng tiền thuế TNCN NNT là cá nhân đã nộp đủ vào NSNN tại kỳ quyết toán NNT có đề nghị hoàn thuế;
(ii) Hồ sơ hoàn thuế TNCN có chỉ tiêu “Tổng thu nhập chịu thuế” khớp đúng với số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán thuế theo CSDL quản lý thuế của ngành Thuế tại thời điểm giải quyết hồ sơ và có chỉ tiêu “Tổng số thuế đề nghị hoàn trả” nhỏ hơn hoặc bằng số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán thuế theo CSDL quản lý thuế của ngành Thuế tại thời điểm giải quyết hồ sơ;
(iii) Thông tin tài khoản nhận tiền hoàn trả của NNT được xác minh và liên kết với CSDL quản lý thuế của ngành Thuế.
...

Theo đó, để hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây:

[1] Đã nộp thuế.

[2] Có chỉ tiêu “tổng thu nhập chịu thuế”.

[3] Thông tin đối tượng thụ hưởng được ngành thuế xác nhận.

Hay có thể hiểu rõ hơn về việc hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động như sau:

[1] Tại thời điểm giải quyết hồ sơ hoàn thuế TNCN của người nộp thuế, tổ chức trả thu nhập đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thay tiền thuế TNCN đã khấu trừ hoặc người nộp thuế đã nộp đủ tiền thuế TNCN tại kỳ quyết toán có đề nghị hoàn thuế vào ngân sách nhà nước.

[2] Hồ sơ hoàn thuế TNCN có chỉ tiêu “tổng thu nhập chịu thuế” khớp đúng với số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán thuế theo cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành Thuế tại thời điểm giải quyết hồ sơ và có chỉ tiêu “tổng số thuế đề nghị hoàn trả” nhỏ hơn hoặc bằng số liệu tổng hợp trong kỳ quyết toán thuế theo cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành thuế tại thời điểm giải quyết hồ sơ.

[3] Thông tin tài khoản nhận tiền hoàn trả của người nộp thuế được xác minh và liên kết với cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành thuế.

Trường hợp hồ sơ hoàn thuế TNCN của người nộp thuế đáp ứng đủ 3 điều kiện này thì phân hệ hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động tạo đề xuất hoàn thuế, lập Quyết định hoàn thuế (hoặc Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước) và lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước) để chuyển thủ trưởng cơ quan thuế ký điện tử.

Trường hợp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế không đáp ứng đủ 3 điều kiện trên thì hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế tự động phân công và gửi thư điện tử đến lãnh đạo bộ phận, cán bộ thuế được phân công giải quyết hỗ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân biết và tiếp tục giải quyết hồ sơ.

Cơ quan thuế có phải áp dụng biện pháp quản lý rủi ro trong việc hoàn thuế thu nhập cá nhân không?

Căn cứ theo Điều 9 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc quản lý rủi ro trong quản lý thuế như sau:

Quản lý rủi ro trong quản lý thuế
1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản l‎ý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
2. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong khai thuế, hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
3. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
...

heo đó, cơ quan thuế phải áp dụng quản lý rủi ro trong một số trường hợp như:

- Đăng ký thuế.

- Khai thuế.

- Nộp thuế.

- Nợ thuế.

- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

- Hoàn thuế.

- Kiểm tra thuế.

- Thanh tra thuế.

- Quản l‎ý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

Như vậy, có thể thấy việc hoàn thuế thu nhập cá nhân cũng là một trong những trường hợp mà cơ quan thuế phải áp dụng biện pháp quản lý rủi ro trong việc quản lý thuế.

(Theo vietnamnet, thuvienphapluat)